CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Chính sách thuế TNCN với khoản chi trả thêm cho lao động thử việc

Bởi ebh.vn - 05/01/2024

Chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang được áp dụng đối với người lao động có phát sinh thu nhập chịu thuế. Vậy đối với người lao động đang thử việc thì có phải nộp khoản thuế TNCN này không? Mời bạn hãy cùng EBH tìm hiểu chi tiết vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp người lao động thử việc.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp người lao động thử việc

1. Người lao động thử việc có phải đóng thuế TNCN không?

Người lao động ký hợp đồng thử việc sẽ được nhận tiền lương thử việc. Khoản tiền này cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhânTuy nhiên, việc trích đóng thuế TNCN phụ thuộc vào hình thức ký hợp đồng lao động và mức thu nhập của người lao động.

1) Nếu người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, thì thuế TNCN sẽ được tính theo Biểu thuế lũy tiến từng phần. Trường hợp này, người lao động có thể được tính giảm trừ gia cảnh và các khoản khấu trừ khác theo quy định.

2) Nếu người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng thử việc hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, thì thuế TNCN sẽ được tính theo mức 10% trên tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên. Trường hợp này, người lao động không được tính giảm trừ gia cảnh và các khoản khấu trừ khác.

2. Lao động thử việc được chi trả thêm một khoản cùng lúc với kỳ trả lương

Người lao động đang thử việc ngoài khoản lương thử việc được nhận hàng tháng thì còn được nhận một khoản tiền khác nữa gọi là khoản chi trả thêm. Liên quan đến vấn đề này, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Công văn 32076/CTHN-TTHT ngày 19/8/2021 quy định về chính sách Thuế TNCN với khoản chi trả thêm cho lao động thử việc.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động thử việc không nằm trong đối tượng người lao động được đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 168, Bộ luật Lao động 2019 quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.

- Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, đối với người lao động thử việc không được đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN sẽ được chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho người lao động.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp người lao động thử việc.

Các khoản chi trả thêm cùng với tiền công, tiền lương được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

2.1 Các khoản chi thêm cùng với kỳ trả lương cho người lao động

Người sử dụng lao động thường sẽ là người đứng ra trực tiếp đóng các khoản tiền thu nhập cá nhân cho người lao động. Do đó doanh nghiệp cần nắm rõ khoản thu nhập chịu thuế của người lao động. Công văn 32076/CTHN-TTHT  về chính sách Thuế TNCN với khoản chi trả thêm cho lao động thử việc như sau:

Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, quy định các khoản thu nhập chịu thuế gồm các khoản:

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:...

…đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:…”

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Thông tư trên quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

“1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

…b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này…”

Như vậy, theo căn cứ hướng dẫn từ Công văn 32076/CTHN-TTHT, trường hợp doanh nghiệp chi trả thêm cho người lao động thử việc (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN) cùng lúc với kỳ lương một khoản tiền được xác định là các khoản lợi ích bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công mà người lao động được hưởng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân.

Các doanh nghiệp và người lao động lưu ý chính sách thuế TNCN với các khoản thu nhập chi trả thêm cho người lao động thử việc để có thể hạch toán chính xác. Nếu chưa rõ hoặc cần giải đáp thêm doanh nghiệp và người lao động có thể trực tiếp liên hệ với chi cục thuế trực tiếp quản lý để được giải đáp.

Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng bạn đã có câu trả lời cho mình. Nếu bạn có thắc mắc khác cần giải đáp. Vui lòng liên hệ EBH hoặc cơ quan quản lý Thuế nơi bạn đang tham gia để được trợ giúp.

Tài Phạm - EBH

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu