CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Hợp đồng thử việc là gì và quy định về mức lương thử việc

Bởi ebh.vn - 08/06/2023

Hợp đồng thử việc đảm bảo cho người lao động được hưởng những quyền lợi nhất định khi chưa có hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng nắm rõ về những quy định của hợp đồng thử việc và lợi ích của hợp đồng thử việc mang lại.

Hợp đồng thử việc là gì?

Hợp đồng thử việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian chưa làm việc chính thức

1. Hợp đồng thử việc là gì?

Hợp đồng thử việc không được định nghĩa cụ thể, tuy nhiên tại Khoản 1, Điều 24, Bộ Luật lao động 2019 quy định:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng thử việc là thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về công việc làm thử trước khi có thể làm chính thức. Trong thời gian thử việc người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện các quy định và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng thử việc. 

Nội dung của hợp đồng thử việc và hợp đồng làm việc chính thức có nhiều điểm giống nhau và khác nhau. Các nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương, các nội dung về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay đào tạo nâng cao trình độ được loại ra.

Nội dung chính của hợp đồng thử việc

Nội dung chính của hợp đồng thử việc gồm các nội dung được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, g và h Khoản 1, Điều 23, của Bộ Luật lao động 2019. Cụ thể gồm có:

  • Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

  • Công việc và địa điểm làm việc;

  • Thời hạn của hợp đồng lao động;

  • Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

Ngoài ra, hợp đồng thử việc còn có thể đưa các nội dung về trách nhiệm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thử việc. Các điều khoản phạt nếu vi phạm thỏa thuận. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về các Mẫu hợp đồng thử việc.

2. Quy định về thời gian thử việc

Thời gian thử việc được ghi trong hợp đồng lao động được ấn định theo thỏa thuận giữa 2 bên là người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thời gian thử việc đồng thời sẽ phải tuân theo những quy định tại Điều 25, Bộ Luật lao động 2019. Cụ thể các quy định về thời gian thử việc như sau:.

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

  • Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

  • Thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

  • Thời gian thử việc không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

  • Thời gian thử việc không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, thời gian tối đa thử việc là không quá 180 ngày tuy nhiên sẽ chỉ áp dụng trong trường hợp đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp. Đa số các công việc hiện nay có thời gian thử việc thông thường sẽ là 60 hoặc 30 ngày. Trong một vài trường hợp người lao động có thể đề xuất thời gian thử việc ngắn hơn hoặc không thử việc do đã có kinh nghiệm làm việc tốt trong lĩnh vực và vị trí tương đương.

Tìm hiểu thêm về mức lương phụ cấp lương trong hợp đồng lao động đối với người lao động.

Mức lương thử việc do 2 bên thỏa thuận

Mức lương thử việc do 2 bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 85% lương chính thức

3. Lương của nhân viên sẽ tăng sau khi hết thời gian thử việc phải không?

Căn cứ theo Điều 26, Bộ Luật lao động 2019 thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, tiền lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó.

Nếu người lao động làm việc cho doanh nghiệp thuộc vùng có mức lương tối thiểu vùng, thì mức lương thử việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Lấy ví dụ, năm 2023 nếu bạn làm việc cho một doanh nghiệp thuộc vùng I có mức lương cho vị trí chính thức là 10.000.000 đồng/tháng và công việc của bạn đáp ứng đủ điều kiện đã qua học nghề.

Khi đó, mức lương thử việc của bạn sẽ là 1 trong 2 trường hợp sau:

TH1: Nếu mức lương thử việc căn cứ theo thỏa thuận giữa bạn và doanh nghiệp là 85% x 10.000.000 = 8.500.000 đồng

TH2: Nếu mức lương thử việc căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng là 107% x 4.680.000 đồng = 5.007.700 đồng.

Khi này thường thì mức lương thử việc cao hơn sẽ được áp dụng cho bạn.

Khi thời gian thử việc kết thúc, việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động và trả 100% mức lương theo thỏa thuận. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước. Việc hủy hợp đồng thử việc sẽ không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Như vậy, mức lương của nhân viên sau thời gian thử việc có thể cao hơn hoặc bằng mức lương thử việc tùy theo điều kiện và khả năng của nhân viên đó.

Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng thông qua những chia sẻ trên đây bạn có thể hiểu rõ hơn về các quy định về lương thử việc.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu