CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Bước tiến của BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý

Bởi ebh.vn - 06/01/2018

Hai dự án công nghệ thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực trong năm 2017.

Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH

Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH

Không thực hiện số hóa các tài liệu lưu trữ thì tòa nhà 11 tầng hiện nay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại 150 Phố Vọng (Hà Nội) chỉ đủ để dành cho lưu trữ 4,5 triệu hồ sơ của đối tượng hưởng lương hưu. Ví dụ mang tính hình ảnh này được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đưa ra, trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam sáng 4/1 đã cho thấy phần nào nỗ lực của ngành trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. “Kỳ tích công nghệ” của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được ghi dấu khi cơ quan này vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 (Việt Nam ICT Index 2017) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

1. Chia sẻ cơ sở dữ liệu, gia tăng giá trị sử dụng

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội đã và đang tập trung tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến, áp dụng vào quản lý để tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm mục tiêu đảm bảo cho mỗi người dân đều được tham gia và thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo là nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất.

Hiện nay, toàn bộ ứng dụng công nghệ thông tin ngành Bảo hiểm xã hội đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Từ năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng thành công cơ sở dữ liệu của hơn 90 triệu người, với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản. Đây là cơ sở để ngành hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tiến tới hoàn thiện sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử trong năm 2018.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng; trong đó có Bộ công cụ tập trung dữ liệu tại trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng gồm: Thu, sổ thẻ và quản lý tài chính- tiến tới xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ khác. Bộ công cụ này đã giúp quản lý, đồng bộ thông tin với khoảng 65 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 82%) và cấp mã số bảo hiểm xã hội duy nhất cho người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: Thuế, Hải quan, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng và cơ sở khám chữa bệnh…; xây dựng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của ngành nhằm cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Trong xây dựng cơ sở dữ liệu, quan trọng là cơ sở dữ liệu ấy có giá trị hay không, được vận hành, quản lý, bổ sung và chia sẻ để tăng thêm giá trị sử dụng như thế nào. Nếu cơ sở dữ liệu chỉ có ngành Bảo hiểm xã hội sử dụng thì giá trị của nó chỉ khu trú cho ngành”, ông Lê Nguyên Bồng, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ.

Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ dữ liệu với cơ quan Thuế để kiểm soát việc trốn đóng bảo hiểm xã hội và chống thất thu thuế; kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Tư pháp để rút ngắn thời gian kê khai làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cung cấp đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ Cục trong việc giải quyết hồ sơ cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; đồng thời hỗ trợ các đơn vị trong ngành kiểm soát dữ liệu, ngăn chặn đối tượng lạm dụng vừa hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vừa tham gia bảo hiểm xã hội nơi khác.

2. Liên thông dữ liệu với gần 100% với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hai dự án công nghệ thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được ngành triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực trong năm 2017, đó là hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế, giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh và hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế - nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thành công lớn nhất trong năm 2017 của ngành, đó là đã kết nối liên thông dữ liệu với gần 100% với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận trên 163 triệu hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.

Hệ thống gây được ấn tượng rất lớn đối với Chính phủ và quốc tế, đó là hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Hiện nay, 100% dữ liệu đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế đều được giám định với quy tắc cài đặt sẵn. Hệ thống phần mềm của Bảo hiểm xã hội nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất tới người dân, ông Lê Nguyên Bồng cho hay.

Thông qua hệ thống giao dịch điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 236 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,4 triệu hồ sơ trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (chiếm 36%). Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính năm 2016 xuống còn 28 thủ tục trong năm 2017, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 335 giờ/năm xuống còn 49 giờ/năm.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 (công bố tháng 10/2017), mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2016). Trong đó, chỉ số nộp thuế, bảo hiểm xã hội xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2016).

Theo ông Lê Nguyên Bồng, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành phục vụ hơn 80 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, liên kết với hơn 11 nghìn điểm đại lý bưu điện, qua đó hỗ trợ người dân dễ dàng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ khách hàng, là đầu mối giải đáp chính sách và hỗ trợ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của ngành Bảo hiểm xã hội. Trung tâm này hoạt động 24/7, các hỗ trợ viên sẽ trả lời tất cả các thắc mắc của người dân, doanh nghiệp và ngay cả nội bộ ngành Bảo hiểm xã hội về các vấn đề liên quan.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập trung nghiên cứu dự thảo về sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử để triển khai thí điểm trong thời gian tới, chậm nhất đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp đầy đủ sổ, thẻ điện tử theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và kết nối với cơ sở dữ liệu thẻ an sinh xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm (1 trong 6 danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu