An toàn lao động là gì? Có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp
An toàn lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi tham gia vào quan hệ lao động. Vậy an toàn lao động là gì? Nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của eBH nhé!
An toàn lao động là giải pháp bảo vệ người lao động trong quá trình làm việc
1. An toàn lao động là gì?
An toàn lao động là một khái niệm quan trọng trong quá trình lao động, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn lao động là giải pháp phòng chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, với mục đích đảm bảo người lao động trong quá trình lao động không bị thương tật hoặc tử vong.
Các yếu tố nguy hiểm có thể là các máy móc, thiết bị, hóa chất, điện, nhiệt, áp suất, tia bức xạ, tiếng ồn, rung động, bụi, khí độc, vi khuẩn, virus, nấm mốc, hoặc các yếu tố khác có thể gây nguy hiểm cho người lao động.
An toàn lao động được xem là nguyên tắc quan trọng nhất trong quá trình lao động, là trách nhiệm của người sử dụng lao động để đảm bảo an toàn cho người lao động, tránh được các tình huống xấu có thể xảy ra.
An toàn lao động có ý nghĩa và mục đích rất lớn đối với người lao động, người sử dụng lao động và xã hội. An toàn lao động giúp bảo vệ sức khỏe, nâng cao năng suất và chất lượng lao động, giảm thiểu chi phí điều trị và bồi thường, tăng cường uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Để đảm bảo an toàn lao động, người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, cũng như tham gia các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, người lao động cần được đào tạo, huấn luyện và nâng cao ý thức về an toàn lao động, thực hiện đúng các quy tắc và hướng dẫn an toàn khi làm việc.
1.1 Nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động
Theo quy định tại Điều 5, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, việc thực hiện an toàn lao động cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
1) Người lao động phải được làm việc trong môi trường an toàn. Tại các công trường, nhà xưởng, cần được trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho công nhân.
2) Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về biện pháp an toàn lao động trong quá trình sử dụng lao động, luôn đặt các biện pháp phòng ngừa lên hàng đầu để kiểm soát tình huống xấu có thể xảy ra.
3) Người sử dụng lao động có thể lấy ký kiến của các bên liên quan như: Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực hiện công việc của mình một cách an toàn.
1.2 An toàn lao động có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
An toàn lao động là một khía cạnh quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt đối với doanh nghiệp như sau:
1) Giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người lao động, tăng cường niềm tin, sự gắn bó và trách nhiệm của họ đối với doanh nghiệp.
2) Giúp nâng cao năng suất và chất lượng lao động, giảm thiểu thời gian nghỉ việc, chi phí điều trị và bồi thường do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
3) Giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực, sáng tạo và hợp tác, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp.
4) Giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết với các đối tác trong nước và quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.
1.3 Làm thế nào để đảm bảo an toàn lao động trong doanh nghiệp?
Để đảm bảo an toàn lao động trong doanh nghiệp bạn có thể tham khảo một số giải pháp dưới đây:
- Xác định các mối nguy hiểm và rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất, và có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết với các đối tác về an toàn, vệ sinh lao động.
- Đào tạo, huấn luyện và nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.
- Trang bị đầy đủ và sử dụng đúng các thiết bị an toàn và bảo hộ lao động.
- Chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm cho người lao động, xử lý kịp thời các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
- Xây dựng văn hóa an toàn lao động trong doanh nghiệp, tạo ra một môi trường làm việc tích cực, sáng tạo và hợp tác.
Người lao động và doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động
2. Người lao động được đảm bảo an toàn lao động như thế nào?
Điều 6, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 cũng quy định quyền lao động theo hợp đồng và không theo hợp đồng như sau:
1) Quyền lợi của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
- Được đảm bảo công bằng, vệ sinh, an toàn lao động tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tuân thủ các biện pháp phòng chống yếu tố gây hại đến người lao động.
- Được cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề rủi ro như tai nạn lao động, sức khỏe, tâm lý…
- Được đào tạo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.
- Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm lao động, có đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường không an toàn, được khám sức khỏe định kỳ.
- Được giám định mức độ thương tật trong trường hợp gặp tai nạn lao động. Ngoài ra, được người sử dụng lao động trả chi phí thăm khám, trợ cấp theo quy định của pháp luật.
- Có quyền từ chối làm việc nếu phát hiện môi trường làm việc không đảm bảo an toàn, dễ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe bản thân.
- Khiếu nại hoặc tố cáo theo quy định.
2) Quyền lợi của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Được làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
- Được hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
- Có quyền tham gia bảo hiểm lao động tự nguyện theo quy định.
- Có quyền tố cáo, khiếu nại với các hành vi sai trái trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động cần được đảm bảo an toàn và chăm sóc sức khỏe khi làm việc
3. Chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động
Chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động là một trong những quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của pháp luật. Theo đó.
1) Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe hàng năm cho người lao động. Trường hợp người lao động làm việc trong môi trường khói bụi, nặng nhọc, cần được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
- Người lao động chưa đủ 18 tuổi hoặc người cao tuổi bị hạn chế làm việc trong môi trường độc hại.
- Người lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản, sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
- Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, cần được chẩn đoán khỏe mạnh thì mới được quay lại làm việc.
- Chi phí khám chữa bệnh cho người lao động sẽ được người sử dụng lao động chi trả theo quy định.
Chế độ đối với người lao động làm việc trong môi trường có hại sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Người lao động được bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định để đảm bảo thuận tiện trong khi làm việc và an toàn vệ sinh lao động.
- Trong môi trường làm việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, người lao động được bồi dưỡng bằng hiện vật.
- Thời gian nghỉ hàng năm của người lao động làm việc đặc biệt nguy hiểm hàng năm là 16 ngày.
- Với các nhóm ngành đặc thù, tiếp xúc với nhiều chất độc hại, người lao động không đủ sức khỏe sẽ được điều dưỡng và phục hồi sức khỏe.
2) Người sử dụng lao động cũng phải trang bị đầy đủ và sử dụng đúng các thiết bị an toàn và bảo hộ lao động, đưa người lao động mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị. Chi phí cho các hoạt động này do người sử dụng lao động chi trả và được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Người lao động phải được trang bị những phương tiện và dụng cụ cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi yếu tố độc hại, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
- Tùy thuộc vào điều kiện làm việc, môi trường độc hại, người lao động sẽ được cấp phương tiện bảo hộ phù hợp.
- Phương tiện bảo hộ phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quy định.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ, phương tiện đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây chất độc hại.
3) Người lao động có quyền được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe, được làm việc ở môi trường an toàn, vệ sinh, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Người lao động cũng có nghĩa vụ thực hiện đúng các quy tắc và hướng dẫn an toàn khi làm việc, sử dụng đúng các thiết bị an toàn và bảo hộ lao động, báo cáo ngay cho người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
4) Đối với người lao động nữ, pháp luật còn quy định thêm một số chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt, như được khám phụ sản, khám thai, được nghỉ mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh, được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, người lao động nữ còn được bảo vệ khỏi những công việc có hại cho sức khỏe sinh sản, như tiếp xúc với các chất độc hại, phóng xạ, nhiệt độ cao hoặc thấp, rung động, tiếng ồn, áp suất cao hoặc thấp.
Trên đây là một số quy định về an toàn lao động, Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng qua bài viết, độc giả đã nắm được an toàn lao động là gì và một số thông tin về nguyên tắc an toàn lao động, biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho bản thân.
Nguyệt Nga - EBH