Điều trị nội trú là gì? Những quyền lợi bệnh nhân được hưởng
Bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh có thể điều trị theo hai hình thức là điều trị nội trú và điều trị ngoại trú. Vậy điều trị nội trú là gì? quy trình điều trị nội trú hưởng bảo hiểm y tế như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.
Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú
1. Điều trị nội trú là gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định điều trị nội trú như sau:
Điều trị nội trú được áp dụng đối với trường hợp người bệnh phải lưu lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ định của người hành nghề.
Như vậy, có thể hiểu điều trị nội trú là việc thực hiện điều trị khi có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ hoặc có giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám chữa bệnh khác. Và khi đó, người bệnh phải tiến hành nhập viện để tiếp nhận điều trị.
Ngoài ra, tùy theo chuyên khoa và điều kiện hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức điều trị nội trú. Thời gian lưu lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tính liên tục và thường trên 24 giờ.
Các cơ sở sau được bố trí giường lưu trú để theo dõi và điều trị cho người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh:
1) Phòng khám đa khoa tư nhân tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
2) Phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước.
3) Nhà hộ sinh và trạm y tế xã.
1.1 Các trường hợp cần điều trị nội trú
Căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ là người đưa ra quyết định về hình thức điều trị nội trú hoặc ngoại trú cho bệnh nhân. Thông thường các trường hợp cần điều trị nội trú bao gồm:
1) Bệnh nhân mắc các bệnh nặng và cần theo dõi sát sao và điều trị tích cực.
2) Bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị chuyên sâu, có nguy cơ biến chứng cao.
3) Bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu, cần theo dõi diễn biến sức khỏe.
4) Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật và cần có thời gian gây mê hoặc hồi sức.
5) Bệnh nhân không có khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc người nhà chăm sóc.
Trong trường hợp sức khỏe cho phép, và bệnh nhân có điều kiện tự chăm sóc có thể xin điều trị ngoại trú theo nhu cầu.
1.2 Quy trình điều trị nội trú hưởng bảo hiểm y tế
Bệnh nhân điều trị nội trú để được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định ngoài việc có thẻ bảo hiểm y tế thì cần cung cấp các thông tin thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở khám chữa bệnh. Dưới đây là quy trình điều trị nội trú hưởng BHYT gồm các bước sau:
Bước 1: Bệnh nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lấy số khám bệnh.
Bước 2: Bệnh nhân khám bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán và mức độ bệnh lý.
Bước 3: Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về phương pháp điều trị phù hợp và hướng dẫn làm thủ tục nhập viện (khi này bệnh nhân sẽ cung cấp tin thẻ bảo hiểm y tế cho cán bộ y tế).
Bước 4: Bệnh nhân sẽ được sắp xếp giường bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ nhân viên y tế sẽ theo dõi, điều trị và chăm sóc bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị nội trú.
Bước 5: Khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh nhân làm thủ tục xuất viện, thanh quyết toán viện phí và kết thúc điều trị nội trú theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân điều trị nội trú được nhận nhiều quyền lợi
3. Bệnh nhân được ngừng điều trị nội trú trong trường hợp nào?
Bệnh nhân cần lưu ý trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nhân khi ngừng điều trị nội trú để bảo vệ quyền lợi của mình.
Căn cứ theo quy định của điều trị nội trú thì bệnh nhân được ngừng điều trị nội trú (ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Khi người bệnh đã khỏi bệnh hoặc tình trạng bệnh ổn định.
- Có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của bệnh nhân đối với trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự và bệnh nhân là người chưa thành niên.
3.1 Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi bệnh nhân điều trị nội trú
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì khi người bệnh ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi điều trị nội trú thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
- Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án;
- Hướng dẫn người bệnh về việc tự chăm sóc sức khỏe;
- Chỉ định điều trị ngoại trú trong trường hợp cần thiết;
- Quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
- Cung cấp giấy ra viện cho người bệnh.
3.2 Các quyền lợi của bệnh nhân khi điều trị nội trú
Bệnh nhân khi điều trị nội trú sẽ được hưởng các quyền lợi quan trọng. Dưới đây là một số điểm người bệnh điều trị nội trú cần biết:
1) Tiếp cận dịch vụ y tế: Bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên nghiệp tại cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, và các chuyên gia khác.
2. Chăm sóc và điều trị: Bệnh nhân sẽ được chăm sóc và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều này bao gồm việc theo dõi tình trạng sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm, và cung cấp thuốc.
3. Nhận đồ ăn uống và chăm sóc: Bệnh nhân sẽ được cung cấp bữa ăn và chăm sóc hàng ngày trong quá trình điều trị nội trú.
4. Hỗ trợ tâm lý và xã hội: Bệnh nhân có quyền được hỗ trợ tâm lý và xã hội từ các chuyên gia tâm lý hoặc các nhóm hỗ trợ.
5. Tham gia vào quyết định điều trị: Bệnh nhân có quyền tham gia vào quyết định về phương pháp điều trị và được thông báo về tình trạng sức khỏe của mình.
6. Bảo vệ quyền riêng tư: Bệnh nhân có quyền được bảo vệ quyền riêng tư và không bị tiết lộ thông tin cá nhân.
Quyền lợi của bệnh nhân khi điều trị nội trú có thể thay đổi tùy theo quy định của từng cơ sở khám chữa bệnh và luật pháp tại mỗi địa phương.
3.2.1 Điều trị nội trú có tốn kém không?
Chi phí điều trị nội trú sẽ có thêm chi phí giường bệnh tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: bệnh nhân có tham gia BHYT không, loại bệnh lý, phương pháp điều trị, thời gian điều trị nội trú, cơ sở khám chữa bệnh...
3.2.2 Chi phí ngày giường bệnh tính như thế nào?
Tùy nơi điều trị bệnh nội trú và từng giường bệnh mà chi phí ngày giường bệnh sẽ khác nhau. Đối với bệnh nhân tham gia BHYT được hỗ trợ chi phí giường bệnh, mức hỗ trợ trong phạm vị chi trả theo quy định của Pháp luật về bảo hiểm y tế.
3.2.3 Thời gian thăm bệnh nhân nội trú?
Tùy từng cơ sở khám chữa bệnh sẽ có quy định riêng về thời gian thăm bệnh nhân nội trú. Các trường hợp đặc biệt người nhà được phép ở lại chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân.
3.2.4 Bệnh nhân đi điều trị nội trú cần chuẩn bị gì?
Bệnh nhân điều trị nội trú cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT (nếu có), các loại thuốc đang sử dụng, đồ dùng cá nhân...
Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ về việc điều trị nội trú là gì? Và quy trình điều trị nội trú. Bệnh nhân tham gia BHYT khi điều trị nội trú sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, điều này giúp giảm gánh nặng về tài chính đồng thời giúp bệnh nhân nhận được sự chăm sóc y tế tốt hơn.
Thu Hương - EBH