Thay đổi mức đóng BHXH: Gánh nặng lớn cho doanh nghiệp
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và tăng mức đóng BHXH có tác động rất lớn tới doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Ảnh: Nhã Chi
Không phải đóng BHXH trên toàn bộ thu nhập
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, từ ngày 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Như vậy, với cách tính mới này, mức đóng BHXH kể từ 2018 sẽ có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên theo khẳng định của ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ không phải là toàn bộ thu nhập của người lao động như ý kiến gần đây của một số DN.
Vị này cho biết, theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH (TT59), từ ngày 1/1/2018, BHXH bắt buộc đóng trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Quy định này có nghĩa chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính vào để đóng BHXH.
Tương tự với khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động cũng không được tính vào để đóng BHXH. TT59 đã liệt kê cụ thể ra 14 khoản thu nhập không được tính vào đóng BHXH.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, mặc dù đã cắt giảm 14 khoản thu nhập phải đóng BHXH nhưng đối với các nhóm DN sử dụng nhiều lao động như thủy sản, dệt may, da giày… chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động nhiều bởi họ chịu tác động kép là vừa tăng lương tối thiểu vừa tăng mức đóng BHXH.
Doanh nghiệp trước nỗi lo mới
Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, mức đóng BHXH mới từ 1/1/2018 sẽ là gánh nặng lớn đối với DN, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều lao động như dệt may.
“Kể cả trừ 14 khoản mới được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì DN cũng sẽ phải gánh thêm khoản chi phí khá lớn với cách tính mới này. Bởi hiện nay, DN đang đóng BHXH trên mức lương tối thiểu, song thu nhập thực tế của người lao động lớn hơn rất nhiều”, ông Trịnh phân tích.
Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho biết, hiện nay DN có khoảng 2.000 lao động. Mỗi tháng, doanh nghiệp trả khoảng 1 triệu đồng phí BHXH cho mỗi lao động. Dự kiến sắp tới sẽ tăng thêm khoảng 10 - 20%. Tính ra, mỗi năm, tổng số tiền tăng thêm sẽ là con số rất lớn.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, hiện nay phí gia công chiếm 30% giá thành sản phẩm. Trong phí gia công thì chi phí lao động chiếm tới 60 - 70%. Do vậy, với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và tăng mức đóng BHXH đều có tác động rất lớn tới DN.
Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thuỷ sản Thuận Phước, nhiều lao động cho biết họ muốn có thêm tiền để chi trả cho cuộc sống hiện tại. “Họ không muốn để giành cho mai sau khi mà cuộc sống còn quá nhiều khó khăn”, ông Lĩnh chia sẻ.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét giãn lộ trình đóng BHXH theo cách tính mới để DN chủ động trong tính toán chi phí hợp lý.
Theo ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nếu đóng BHXH cho người lao động trên mức thu nhập cộng với phụ cấp, chi phí DN sẽ tăng lên rất lớn, chính sách đóng BHXH theo luật mới ảnh hưởng lớn đến chi phí của DN.
Theo - Báo Đấu thầu