Tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/1/2022
Tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 01/1/2022 tạo điều kiện cho nhiều lao động có thể tham gia, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo. Ước tính năm 2022, tỷ lệ người lao động nhận lương hưu tăng và có chỗ dựa vững chắc khi về già.
Từ 01/1/2022 tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện theo điều chỉnh tại Thông báo 4447/TB-BHXH
1. Quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ theo quy định Khoản 2, Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội mức đóng BHXH tự nguyện được tính căn cứ theo thu nhập người lao động tự lựa chọn để đóng Bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:
- Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn
- Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn: thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Tuy được tự do lựa chọn mức thu nhập tháng đóng để đóng BHXH tự nguyện, nhưng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu và tối đa được quy định cụ thể căn cứ vào mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và mức lương cơ sở.
1.1 Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn
Căn cứ theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng từ ngày 1/1/2022.
Mức lương cơ sở: Do diễn biến của bệnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Dự kiến mức lương cơ sở năm 2022 chưa thể tăng và giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng.
1.2 Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu và tối đa năm 2022
Do những thay đổi về mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và mức lương cơ sở chưa thể tăng dẫn đến mức đóng BHXH tối thiểu và tối đa năm 2022 khi chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước cụ thể như sau:
- Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu là: 22% x 1.500.000 = 330.000 đồng/người/tháng.
- Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là: 22% x (20 x 1.490.000) = 6.556.000 đồng/người/tháng.
2. Tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2022
Nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện theo kế hoạch đề ra, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân năm 2022 mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tăng. Cụ thể, theo Thông báo 4447/TB-BHXH của cơ quan Bảo hiểm xã hội, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất kể từ ngày 1/12022 là 330.000 đồng (tăng so với năm 2021 là 176.000 đồng). Do mức đóng tăng dẫn đến mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tăng.
Bảng 1: Mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022
TT |
Người tham gia |
Mức đóng thấp nhất hàng tháng Nhà nước chưa hỗ trợ |
Tỷ lệ (%) Nhà nước hỗ trợ |
Số tiền Nhà nước hỗ trợ hàng tháng |
Mức đóng thấp nhất hàng tháng khi Nhà nước hỗ trợ |
1 |
Người thuộc hộ nghèo |
330.000 |
30% |
99.000 |
231.000 |
2 |
Người thuộc hộ cận nghèo |
330.000 |
25% |
82.500 |
247.500 |
3 |
Người thuộc đối tượng khác |
330.000 |
10% |
33.000 |
297.000 |
Đối với người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được Nhà nước đặc biệt quan tâm, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cũng cao hơn gấp 3 hoặc gấp 2,5 lần so với các đối tượng khác. Theo đó mà người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ dễ dàng tiếp cận được với BHXH tự nguyện hơn, đảm bảo cho họ có một nguồn thu nhập ổn định khi về già.
Mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với năm 2021 là:
- Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng);
- Đối với hộ cận nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng);
- Đối với các đối tượng khác số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
2.1 Nhóm đối tượng được thêm tiền hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
Theo Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP.Hà Nội được thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Theo đó, từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025 sẽ có 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện gồm:
- Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng trước 1/1/2018.
- NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 1 tháng từ 1/1/2018 trở đi.
- Người làm hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- NLĐ giúp việc gia đình.
- Người tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.
- Xã viên làm việc trong HTX, Liên hiệp HTX không hưởng tiền lương, tiền công.
- Nông dân và người lao động tự tạo ra việc làm.
- NLĐ hưởng lương hưu đã đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH (trừ trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm).
- Người tham gia khác thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện.
- Người thuộc diện hộ nghèo/hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2025.
Ngoài mức hỗ trợ đóng theo quy định chung áp dụng cho cả nước, người thuộc hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ mức đóng thêm 30%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 25% và đối tượng khác được hỗ trợ thêm là 10% mức đóng.
2.2 Các tiêu chí xác định hộ nghèo và cận nghèo năm 2022
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/01/2021 quy định các tiêu chí xác định hộ chuẩn nghèo và hộ cận nghèo như sau:
Các tiêu chí xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP
(1) Đối với hộ nghèo:
Từ 1/1/2022 phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện:
- Về thu nhập: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng trở xuống đối với khu vực thành thị.
- Về chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
(2) Đối với hộ cận nghèo
Từ 1/1/2022 phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:
- Về thu nhập: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng trở xuống đối với khu vực thành thị.
- Về chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Người dân có thể căn cứ vào quy định về hộ nghèo và hộ cận nghèo để xác định mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện năm 2022 theo như Bảng 1.
3. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong nhiều phương thức đóng BHXH tự nguyện. Cụ thể các phương thức đóng như sau:
Bảng 2: Phương thức đóng BHXH tự nguyện
STT |
Phương thức đóng |
Thời điểm đóng |
1 |
Đóng hàng tháng |
Trong tháng |
2 |
Đóng 3 tháng |
Trong quý |
3 |
Đóng 6 tháng |
4 tháng đầu |
4 |
Đóng 12 tháng |
7 tháng đầu |
5 |
Đóng 1 lần cho nhiều năm, không quá 5 năm một lần |
Tại thời điểm đăng ký |
6 |
Đóng 1 lần cho các năm còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) |
Tại thời điểm đăng ký |
Lưu ý: Trong trường hợp quá thời điểm đóng mà người tham gia không đóng BHXH thì coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện.
Người tạm dừng đóng BHXH tự nguyện nếu muốn tham gia tiếp thì phải đăng ký lại mức thu nhập làm căn cứ đóng và phương thức đóng;
Người tham gia có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù bằng tổng mức đóng các tháng chậm đóng áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Được thay đổi phương thức đóng sau khi đã thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Theo quy định người tham gia BHXH tự nguyện đóng BHXH theo phương thức 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng thì mức đóng được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 hoặc 6 hoặc 12.
Trường hợp đóng 1 lần cho những năm về sau sẽ được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (đóng trước từ đủ 02 năm mới được chiết khấu).
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng 1 lần cho những năm còn thiếu sẽ được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng;
Trên đây là thông tin về tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ 01/1/2022 và các phương thức đóng người dân cần đặc biệt lưu ý. Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tăng tạo điều kiện cho nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện, giúp người lao động có chỗ dựa vững chắc khi về già đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.