CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Nghỉ phép dài ngày từ 14 ngày trở lên có được hưởng BHXH

Bởi ebh.vn - 23/06/2020

Trong quá trình làm việc người lao động buộc phải xin nghỉ phép do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng cần lưu ý gì? Trường hợp nghỉ phép ngắn ngày sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, nếu nghỉ phép dài ngày từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới quá trình tham gia BHXH của của người lao động (NLĐ).

Người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng cần lưu ý gì? 1

Người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng cần lưu ý điều gì?

1. Người lao động được nghỉ phép trong trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 ban hành ngày 20/11/2019, người lao động ngoài chế độ được được nghỉ vào các ngày lễ tết còn có chế độ nghỉ phép hàng năm, nghỉ việc riêng và không hưởng lương.

Căn cứ vào Điều 113, Bộ luật lao động 2019 quy định các ngày nghỉ phép hàng năm như sau: Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • Được nghỉ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

  • Được nghỉ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

  • Được nghỉ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Lưu ý: Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động theo quy định được tăng thêm tương ứng 01 ngày. 

Căn cứ vào Điều 115, Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

  1. Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

  2. Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

  3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

  4. Được nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn và phải thông báo với người sử dụng lao động.

Lưu ý: 

  • Các ngày nghỉ phép hàng năm được phép nghỉ dưới hình thức nghỉ liền hoặc nghỉ cộng dồn trong 1 năm tùy vào người lao động và sắp xếp công việc của người sử dụng lao động. 

  • Nghỉ không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Xem thêm >> Người lao động nghỉ việc không hưởng lương có được tự đóng bảo hiểm xã hội

2. Những lưu ý người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng 

Đa số người lao động đều nắm được quy định nghỉ các ngày lễ tết và nghỉ phép được hưởng lương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp NLĐ buộc phải nghỉ từ 14 ngày trở lên, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình tham gia BHXH cũng như các chế độ BHXH thực tế khi xét hưởng.

Người lao động xin nghỉ từ 14 ngày không được hưởng lương sẽ không được hưởng chế độ BHXH

Người lao động xin nghỉ từ 14 ngày không được hưởng lương sẽ không được hưởng chế độ BHXH

2.1 Người lao động xin nghỉ không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng 

Theo Khoản 4, Điều 42, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định đối với trường hợp người lao động xin nghỉ không hưởng tiền lương như sau:

“Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.

Như vậy, trong trường hợp NLĐ xin nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ không được đóng BHXH tháng đó, đồng thời khi tính hưởng các chế độ BHXH thì NLĐ bị trừ thời gian này ra.

2.2. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng

Tại Khoản 5, Điều 42, Quyết định 595/QĐ-BHXH ban hành ngày 14/4/2017 quy định trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau như sau:

“Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT”.

Theo quy định trên NLĐ nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được hưởng nguyên quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, vì trong thời gian nghỉ này NLĐ không phải đóng BHXH nên không được tính vào thời thời gian tham gia BHXH để hưởng các chế độ BHXH khác.

Xem thêm >> Điều kiện và mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày

2.3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng

Tại Khoản 6, Điều 42, Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định đối với trường hợp NLĐ nghỉ hưởng chế độ thai sản trên 14 ngày như sau:

“Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động”

Như vậy, nghỉ chế độ thai sản NLĐ được bảo vệ quyền lợi ở mức cao nhất, NLĐ không phải đóng BHXH mà vẫn được tính vào thời gian tham gia BHXH. Tuy nhiên, nếu hợp đồng lao động (HĐLĐ) hết thời hạn trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết thời hạn không được tính là thời gian đóng BHXH.

3. Các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật

Căn cứ vào Điều 112, Bộ luật lao động 2019 quy định các ngày nghỉ lễ, tết được quy định như sau:

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  1. Nghỉ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);

  2. Nghỉ Tết Âm lịch: 05 ngày;

  3. Nghỉ ngày kỷ niệm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước: 01 ngày (ngày 30/ 4 dương lịch);

  4. Nghỉ ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);

  5. Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

  6. Nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Ngoài ra, theo quy định người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng cần lưu ý nghỉ trong trường hợp nào để có cách điều chỉnh thời gian nghỉ cho phù hợp, không để ảnh hưởng hoặc gián đoạn đến quá trình tham gia BHXH bảo hiểm xã hội của mình. Sự gián đoạn trong quá trình tham gia BHXH trong nhiều trường hợp sẽ gây bất lợi cho việc xét hưởng các chế độ như: nhận BHXH một lần; chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất và chế độ thai sản. 

Như vậy trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến bạn đọc những thông tin hữu ích nhất về các quy định có liên quan đến nghỉ phép dài ngày. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức cần thiết để tối ưu quá trình làm việc và tham gia đóng BHXH một cách hợp lý. Nếu bạn cần hỗ trợ hãy để lại lời nhắn ở góc dưới bài viết để được tư vấn nhé.

TIN LIÊN QUAN >> Làm gì để hưởng "trọn" quyền lợi BHXH khi nghỉ việc

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu