Năm 2022 mức hưởng nhiều khoản trợ cấp BHXH có thể thay đổi
Năm 2022, cùng với việc cải cách các chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 27/NQ-TW dự kiến kéo theo sự thay đổi của mức hưởng nhiều khoản trợ cấp để phù hợp hơn với nhu cầu sống. Cụ thể, cách tính và mức hưởng các khoản trợ cấp sẽ thay đổi như thế nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn.
Mức hưởng nhiều khoản trợ cấp BHXH có thể thay đổi trong năm 2022.
1. Chính sách cải cách về tiền lương
Trong năm 2022, chính sách cải cách về tiền lương và các khoản trợ cấp BHXH được đặc biệt quan tâm. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhiều người lao động lo lắng về các khoản thu nhập từ tiền lương, trợ cấp của mình cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt.
1.1 Áp dụng chế độ tiền lương mới, lương cơ sở có thể bị bãi bỏ
Áp dụng chế độ tiền lương mới, lương cơ sở có thể bị bãi bỏ trong năm 2022 Xem thêm
Nghị quyết 27/NQ-TW ban hành ngày 21/5/2018 đề cập đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, nghị quyết. Nghị quyết nêu rõ:
“Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.”
Căn cứ theo quy định trên thì năm 2021 dáng lẽ chúng ta đã phải áp dụng chế độ tiền lương mới, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh mà việc điều chỉnh này được lùi lại đến năm 2022. Việc áp dụng chế độ tiền lương mới cũng đồng nghĩa với việc lương cơ sở có thể sẽ bị bãi bỏ từ năm 2022.
Do lương cơ sở là căn cứ tính của nhiều khoản trợ cấp theo quy định hiện tại do đó nếu lương cơ sở bị bãi bỏ thì hàng loạt các khoản trợ cấp BHXH bị thay đổi về cách tính, làm thay đổi mức hưởng của người đang hưởng trợ cấp.
1.2 Dự định điều chỉnh lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH
Mới đây thì dự thảo về Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đã được đề xuất. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục lấy ý kiến để thông qua. Theo như dự thảo thì bắt đầu từ 1/1/2022 sẽ thực hiện điều chỉnh như sau:
(1) Thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021.
(2) Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại (1) thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì mức điều chỉnh cụ thể như sau:
-
Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống;
-
Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong cách tính các khoản trợ cấp BHXH trong năm 2022.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì đồng nghĩa với việc từ ngày 1/1/2022 nhiều khoản trợ cấp BHXH sẽ thay đổi. Với sự thay đổi này các khoản lương và trợ cấp sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với mức cũ, do đó người lao động có thể phần nào yên tâm.
Xem thêm: Chế độ hưu trí năm 2022
2. Các khoản trợ cấp BHXH có thể thay đổi
Khi chế độ tiền lương mới được áp dụng thì lương cơ sở là một trong những căn cứ để tính mức hưởng nhiều loại trợ cấp BHXH cho người lao động. Nếu bỏ lương cơ sở, các khoản trợ cấp BHXH của người lao động sẽ bị thay đổi.
Hiện nay, lương cơ sở đang được áp dụng để tính các loại trợ cấp BHXH sau:
(1) Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi
Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi được tính bằng
02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (theo Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(2) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sau sinh
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sau sinh được tính bằng 30% mức lương cơ sở, áp dụng cho lao động nữ ngay sau thời gian hưởng thai sản, trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi (Theo Điều 41, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
(3) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau áp dụng cho người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 - 10 ngày/năm.
Theo quy định tại Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mức hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
(4)Trợ cấp khi bị suy giảm khả năng lao động
Theo quy định tại Điều 48 và 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
-
Trợ cấp một lần khi bị suy giảm từ 5% - 30%: Người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm khả năng lao động thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
-
Trợ cấp hàng tháng khi người lao động bị suy giảm từ 31% trở lên: Mức hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ suy giảm khả năng lao động thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
(5) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động (bị thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp) được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày/lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức trợ hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 54, Luật An toàn, vệ sinh lao động.
(6) Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng do suy giảm khả năng lao động thì mỗi tháng còn được hưởng thêm trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở (theo Điều 52, Luật An toàn, vệ sinh lao động).
(7) Mức trợ cấp lương hưu tối thiểu hàng tháng
Căn cứ Khoản 5, Điều 56 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.
(8) Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, theo quy định tại Điều 53, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết.
(9) Trợ cấp mai táng
Trợ cấp mai táng thuộc chế độ tử tuất, theo đó người lao động đủ điều kiện sẽ được chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (theo quy định tại Điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
(10) Trợ cấp tuất hàng tháng
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (theo quy định tại Điều 68, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
> Dự thảo điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng năm 2022 Xem thêm
Như vậy, hàng loạt các khoản trợ cấp BHXH sẽ có thể thay đổi khi bãi bỏ lương cơ sở. Hiện vẫn chưa có dự quy định chính thức về việc áp dụng chế độ tính lương mới và bãi bỏ lương cơ sở, do đó người lao động cần lưu ý để nắm bắt thông tin thường xuyên và kịp thời.