Mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu toàn bộ
Thời gian gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được thông tin phản ánh ở một số địa phương về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Hành vi vi phạm này đã gây ảnh hưởng đến thông tin nguồn lao động và nhiều nhân tố khác.
Mượn hồ sơ giao kết hợp đồng lao động là vi phạm quy định của luật Lao động
1. Quy định về xử lý hành vi mượn hồ sơ để ký kết hợp đồng lao động
Trước tình trạng mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ LĐTBXH đã ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH ngày 31/5/2022. Theo đó, hướng dẫn về việc vi phạm mượn hồ sơ để giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH. Cụ thể:
Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là hành vi:
- Vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 của Bộ luật Lao động;
- Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Bộ luật Lao động.
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động 2019, trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Bên cạnh đó, Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH còn nêu rõ thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Cụ thể:
(1) Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
(2) Xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 51 của Bộ luật Lao động: Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.
(3) Xử lý theo Điều 10, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP:
a) Người lao động và người sử dụng lao động ký lại HĐLĐ theo đúng quy định của pháp luật
b) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi HĐLĐ được ký lại thực hiện như sau:
- Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu;
- Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của HĐLĐ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
- Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
c) Trường hợp không ký lại HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
- Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt HĐLĐ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
- Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người lao động và người sử dụng lao động giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vị mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là một hành vi vi phạm nghiêm trọng và sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, hợp đồng lao động sẽ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động sẽ không được hưởng các quyền, nghĩa vụ và lợi ích theo hợp đồng, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho người sử dụng lao động hoặc người có hồ sơ bị mượn.
Vì vậy, bạn nên tránh hành vi này và tuân thủ các quy định của pháp luật khi giao kết hợp đồng lao động.
Hợp đồng vô hiệu hóa toàn bộ khi người lao động mượn để ký kết hợp đồng và tham gia BHXH
2. Giải quyết bảo hiểm khi cho mượn hồ sơ đi làm như thế nào?
Theo quy định, việc cho người khác mượn hồ sơ đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là trái quy định của pháp luật và có thể gây ra nhiều rắc rối pháp lý. Nếu bạn đã cho người khác mượn hồ sơ, bạn cần thực hiện các bước sau để giải quyết:
Bước 1: Người mượn hồ sơ phải đến Sở lao động - Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh (nơi làm việc) để trình báo về việc đi mượn hồ sơ của người khác để làm việc, sau đó Sở LĐ - TB&XH sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn hồ sơ.
Bước 2: Căn cứ vào Công văn, Biên bản và Phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ hoặc đơn vị sẽ mang đến BHXH tỉnh (bộ phận Tiếp nhận hồ sơ - 1 cửa) kèm theo các hồ sơ sau để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại (hoặc cấp mới) sổ BHXH:
- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và chứng minh thư/ thẻ căn cước công dân/ hộ chiếu.
- Sơ yếu lý lịch khai lại của người mượn hồ sơ có xác nhận của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị.
- Bản xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian người lao động làm việc tại đơn vị trong đó có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận.
- Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người cho mượn hồ sơ trừ trường hợp đã chết và có chứng thực của chính quyền địa phương nơi thường trú.
- Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người mượn hồ sơ có chứng thực của chính quyền địa phương nơi thường trú.
Bước 3: Người cho mượn hồ sơ phải viết Đơn đề nghị theo mẫu D01-TS tường trình rõ lý do cho người khác mượn hồ sơ, nhưng do không liên lạc được và cam kết không thừa nhận quá trình sổ BHXH mà người mượn hồ sơ đã tham gia BHXH.
Bước 4: Nộp hồ sơ giải quyết theo Phiếu giao nhận hồ sơ gộp sổ (304/…/SO).
2.1 Có thể cho người khác mượn hồ sơ để làm việc tại nhà được không?
Bạn không nên cho người khác mượn hồ sơ để làm việc tại nhà. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể gây ra nhiều rủi ro cho bạn và người mượn hồ sơ.
Bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mất quyền lợi BHXH, hoặc bị lừa đảo, bị truy nã, bị đòi nợ, bị đe dọa, bị bắt cóc, bị giết hại... Ngoài ra, bạn cũng có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhân khẩu, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, cơ quan công an, và các cơ quan khác.
Vì vậy, bạn nên giữ hồ sơ của mình an toàn và không cho bất kỳ ai mượn. Nếu bạn đã cho người khác mượn hồ sơ, bạn cần làm thủ tục điều chỉnh nhân thân trên sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn ở trên. Bạn cũng nên báo cho cơ quan có thẩm quyền biết để được hỗ trợ kịp thời.
Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu bạn cần thêm sự trợ giúp, xin vui lòng liên hệ với cơ quan BHXH hoặc Sở LĐ - TB&XH nơi bạn đang làm việc để được hỗ trợ.
Thu Hương & Tài Phạm - EBH