Kí hợp đồng lao động trên 3 tháng được đóng BHXH
Tham gia bảo hiểm xã hội người lao động được hưởng rất nhiều các chế độ như chế độ tai nạn lao động, chế độ ốm đau, thai sản, hưởng lương hưu… Vậy nếu chỉ ký hợp đồng lao động trên 3 tháng có được đóng BHXH không? người lao động lưu ý nắm rõ để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
Nhân viên bán hàng ký hợp đồng lao động trên 3 tháng được đóng BHXH
1. Lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ đảm bảo cho người lao động thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập. Từ đó, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong nhiều trường hợp.
Có 2 hình thức tham gia BHXH là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Nếu như người lao động tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất thì người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng thêm các chế độ gồm: chế độ thai sản, chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể các chế độ ngày đêm đến các lợi ích như:
-
Khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài người lao động có lương hưu khi về già và có chỗ dựa vững chắc, không quá phụ thuộc vào con cháu;
-
Được trợ cấp khi ốm đau, khi bị tai nạn lao động
-
Được hưởng trợ cấp thai sản, nghỉ hưởng thai sản vẫn nhận lương
-
Được hưởng trợ cấp thất nghiệp
-
Người thân được hưởng trợ cấp tuất, trợ cấp mai táng
-
.....
Tuy nhiên, để được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc người lao động cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất.
2. Ký hợp đồng lao động trên 3 tháng có được đóng BHXH không?
Theo quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Bộ luật Lao động 2019). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc người lao động có được đóng BHXH không.
NLĐ làm việc theo giờ có tiền lương tháng dưới mức lương tối thiểu vùng không được đóng BHXH
2.1 Ký HĐLĐ trên 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Để xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội buộc người ta căn cứ theo quy định tại Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2 luật này quy định như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;”
Như vậy, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ từ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhưng để xét xem có được đóng bảo hiểm hay không cần căn cứ vào yếu tố khác như tiền lương thực lĩnh của người lao động.
Người lao động ký hợp đồng lao động trên 3 tháng và có mức lương mỗi tháng trên mức lương tối thiểu vùng sẽ được đóng BHXH.
2.2 Ký HĐLĐ trên 3 tháng nhưng lương mỗi tháng dưới mức lương tối thiểu vùng
Theo quy định tại Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định như sau:
“2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.”
Thực tế, có rất nhiều lao động để kiếm thêm thu nhập đã làm công việc theo giờ. Mỗi tháng mức lương nhận được từ công việc làm thêm này dưới mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2022 cụ thể như sau:
-
Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng;
-
Vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng;
-
Vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng;
-
Vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, theo quy định trên nếu người lao động ký hợp đồng lao động trên 3 tháng nhưng lương mỗi tháng nhận được mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng sẽ không được đóng BHXH.
Trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến Quý độc giả câu trả lời cho câu hỏi "ký hợp đồng lao động trên 3 tháng có được đóng BHXH không?". Hy vọng, thông tin này giúp người lao động có phương thức lựa chọn công việc và phương án ký hợp đồng có lợi nhất để được đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các lợi ích từ bảo hiểm xã hội.