CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì? thẻ căn cước điện tử

Bởi ebh.vn - 05/01/2023

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ là giấy tờ tùy thân quan trọng mới đối với mỗi người dân trong tương lai. Vậy thẻ CCCD gắn chip là gì? và những điều người dân cần biết để sử dụng thẻ một cách hiệu quả.

Thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp thêm nhiều tiện ích

Thẻ CCCD gắn chip tích hợp thêm nhiều tiện ích

1. Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?

Thẻ căn cước công dân gắn chip còn được gọi là thẻ căn cước điện tử e-ID là một loại giấy tờ tùy thân của cá nhân, thay thế cho CMND cũ và thẻ CCCD mã vạch.

Theo quy định, từ 1/1/2021 toàn bộ thẻ CMND/thẻ CCCD cũ khi được cấp lại hoặc cấp mới cho người dân sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước điện tử mới (xem chi tiết)

Thẻ CCCD gắn chip đóng vai trò như một thiết bị dùng để nhận diện, xác thực danh tính của cá nhân và có thể dùng để truy cập tra cứu thông tin của công dân chủ sở hữu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện nay thẻ căn cước điện tử đã được tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích về bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng giúp công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng, chính xác và hiệu quả.

1.1 Đặc điểm của thẻ căn cước điện tử

Thẻ căn cước điện tử có gắn chip điện tử, chip có thể lưu trữ thông tin của cá nhân như đặc điểm nhận dạng, sinh trắc học, vân tay...

Chip được gắn trên mặt sau của thẻ căn cước, có kích thước tương tự như con chip trên thẻ ATM.

Để truy cập vào thông tin nằm trong con chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID). Thẻ CCCD đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

2 Những ưu điểm khi sử dụng thẻ căn cước điện tử

Thẻ căn cước điện tử đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng vì có nhiều tính năng ưu việt và mang lại sự thuận tiện cho công dân khi sử dụng. Dưới đây là một vài ưu điểm của thẻ căn cước điện tử.

(1) Độ bền cao

Thẻ e-ID được làm hoàn toàn bằng chất liệu nhựa cứng rất bền khó bị biến dạng.

(2) Độ bảo mật cao

Các thông tin cá nhân quan trọng được lưu trữ hoàn toàn trong chip điện tử và chỉ có thiết bị chuyên dụng mới có thể lấy/ xem được thông tin trong chip, do đó dù có bị mất thẻ thì thông tin quan trọng của công dân cũ sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng.

(3) Lưu trữ lượng thông tin lớn

Chip điện tử có thể lưu trữ thông tin dung lượng lớn vậy nên có thể linh hoạt, mở rộng thêm thông tin hoặc tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích cho công dân trong tương lai.

(4) Phòng tránh giả mạo giấy tờ

Thẻ e-ID có thể tích hợp các giấy tờ cá nhân quan trọng vậy nên khi thực hiện giao dịch hoặc làm các TTHC người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước điện tử từ đó giúp hạn chế giấy tờ giả mạo, tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý nghiệp vụ.

(5) Chìa khóa thực hiện các giao dịch trực tuyến

Với thẻ căn cước điện tử việc đăng ký, sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ điện tử sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó việc xác thực danh tính cá nhân khi có thẻ e-ID có thể được thực hiện offline mà không bắt buộc cần phải có đường truyền internet.

Xem thêm: Lợi ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip

3. Có bắt buộc đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip?

Căn cứ theo Thông tư số 06/2021/TT-BCA ban hành ngày 23/1/2021 của Bộ Công an quy định về mẫu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip thì đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD gắn chip theo quy định. Trường hợp công dân bắt buộc phải đổi là trường hợp có CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch hết hạn, hỏng mới nằm trong diện bắt buộc phải đổi sang CCCD mới.

Như vậy, công dân không bắt buộc phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip khi thẻ CCCD mã vạch/CMND 12 số vẫn còn hạn sử dụng và không bị hỏng. Điều này đồng nghĩa là sẽ có 12 loại giấy tờ chứng minh công dân cùng tồn tại là: CMND 09 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

4. Số thẻ căn cước công dân gắn chip có thay đổi không?

Đối với công dân đã có CCCD mã vạch 12 số được cấp theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân 2014 thì khi đổi sang thẻ căn cước điện tử thì số thẻ CCCD gắn chip 12 số sẽ vẫn được giữ nguyên.

Còn đối với trường hợp người dân đổi từ CMND 09 số  được cấp theo Quyết định 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10/10/2001 sang thẻ CCCD có gắn chip thì sẽ được cấp số thẻ CCCD mới có 12 số cũng chính là dãy mã số định danh cá nhân của công dân.

Trong trường hợp này, cơ quan Công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chip cho công dân sẽ đồng thời cấp một giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để người dân có thể thực hiện các giao dịch mới có liên quan đến số CMND cũ (9 số) vẫn có thể được thực hiện bình thường và không bị ảnh hưởng.

Như vậy, về cơ bản việc đổi sang thẻ căn cước điện tử sẽ không làm ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. 

Lộ thông tin khi mất thẻ căn cước công dân gắn chip

Thẻ CCCD gắn chip có độ bảo mật cao, sẽ không bị lộ thông tin khi mất thẻ

5. Có bị lộ thông tin khi mất thẻ căn cước công dân gắn chip không?

Thẻ CCCD gắn chip chứa rất nhiều dữ liệu thông tin quan trọng về chủ thẻ, trong trường hợp mất thẻ căn cước điện tử người dân hoàn toàn có thể yên tâm bởi mức độ bảo mật của chip rất cao.

Thẻ e-ID có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành. Chỉ có những thiết bị đặc biệt của Cơ quan nhà nước mới có thể quét và nhận diện thông tin.

Tuy nhiên, người dân cần hạn chế hoặc "không" chia sẻ hình ảnh thẻ căn cước điện tử trên không gian mạng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Như vậy công dân sẽ không bị lộ thông tin lưu trữ trong chip điện tử trong trường hợp thẻ CCCD bị mất.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH về thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử mà mỗi người dân đều nên biết. EBH mong rằng có thể mang lại cho bạn đọc được nhiều thông tin hữu ích và có giá trị.

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu