CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Tiêm chủng vaccine Covid 19 và những điều cần biết trước khi tiêm

Bởi ebh.vn - 24/09/2021

Theo dữ liệu được cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 Quốc gia cập nhật đến tối ngày 19/9/2021, cả nước đã có 34.628.832 liều vaccine phòng chống Covid-19 được tiêm cho người dân. Tiến độ tiêm chủng đang được đẩy nhanh tại tất cả các địa phương nhằm hỗ trợ người dân có thể phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất. 

Tiêm vaccine phòng Covid-19

Tiêm vaccine phòng Covid-19 mang đến hiệu quả cao trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh

1. 6 loại vaccine được cấp phép tiêm phòng chống Covid tại Việt Nam

Tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế số ra ngày 2/8/2021 đã thống kê 06 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép tiêm cho người dân tại Việt nam bao gồm các loại vaccine: 

(1) Vaccine AstraZeneca

Vaccine AstraZeneca phòng covid-19 do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vaccine AstraZeneca được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, hiện đang có số lượng được sử dụng nhiều nhất.

(2) Vaccine Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V)

Vaccine Gam-COVID-Vac do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, vào giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người. Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10 nghìn liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Liên bang Nga tặng.

(3) Vaccine Vero Cell của Sinopharm

Vaccine Vero Cell là loại vaccine phòng Covid-19 do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero Cell do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.

(4) Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech

Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê gần nhất Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 746.460 liều vaccine Pfizer và đang triển khai tiêm chủng.

(5) Vaccine Spikevax (tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna)

Vaccine Spikevax là loại vaccine phòng chống Covid-19 hiệu quả cao do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua Covax Facility.

(6) Vaccine Janssen

Vaccine Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất, được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận  vaccine này.

Xem thêm: Tra cứu thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 qua mạng

2. Xuất hiện phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19

Tiêm vaccine mang đến hiệu quả cao trong việc phòng chống Covid-19. Theo nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể đạt hiệu quả phòng bệnh Covid-19 từ 85% cho đến 95%.

Tuy nhiên, sau khi tiêm bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ, đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang xây dựng hàng rào bảo vệ ngăn ngừa virus gây bệnh. Các phản ứng phụ có thể là:

  • Đối với cánh tay nơi được tiêm: Cảm thấy đau nhức, có hiện tượng mẩn đỏ và sưng tấy.

  • Đối với các bộ phận khác: mệt mỏi toàn thân. đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn hoặc sốt.

Phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19.

Phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19

Các phản ứng phụ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động hàng ngày của bạn nhưng thường chỉ kéo dài 2-3 ngày đầu sau khi tiêm. Nếu tình trạng mẩn đỏ hoặc bị đau ở vị trí tiêm tồi tệ hơn sau 24 giờ hoặc các tác dụng phụ đối với bộ phận trên cơ thể không mất đi sau vài ngày khiến bạn lo ngại thì cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ.

3. Tiêm Vaccine Covid 19 bị tử vong, trách nhiệm thuộc về ai?

Trên thực tế đã có trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên các bệnh nhân tử vong được xác định là có bệnh lý nền và chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ. Vậy nếu tử vong do Covid-19 thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 15, Nghị định 104/2016/NĐ-CP có quy định như sau: 

“Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại”

Theo quy định trên thì đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, trường hợp tử vong khi tiêm vaccine phòng Covid-19, Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng (theo quy định tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 104/2016/NĐ-CP).

3.1 Mức bồi thường trường hợp bị tử vong

Các khoản được hỗ trợ trong trường hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 bị tử vong được quy định tại Khoản 2, Điều 16, Nghị định 104/2016/NĐ-CP như sau:

  • Các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong;

  • Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định;

  • Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại;

  • Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định tại Khoản 4 Điều 16, Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

Lưu ý: Nếu xác định lỗi gây tử vong thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vaccine, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Thủ tục bồi thường và trình tự, thủ tục cấp chi trả tiền bồi thường được quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

Tiêm vaccine Covid-19 là một trong những phương pháp giúp người dân phòng chống sự lây lan của dịch bệnh tốt nhất hiện nay. Có rất nhiều người dân e ngại khi tiêm vaccine do bị các bệnh lý nền hay mang bầu, tuy nhiên các trường hợp trên đều có thể tiêm vaccine phòng bệnh và tiêm theo khuyến cáo của bác sĩ. 

Trên dây là những thông tin mới nhất được Bảo hiểm xã hội điện tử eBH tổng hợp và gửi đến quý độc giả. Mong rằng những chia sẻ trên có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất.

Xem thêm: Đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 qua website Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu