Phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết 68/2013/QH13
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 12, chiều 23/9 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Trương Thị Mai, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Thực hiện BHYT theo Nghị quyết 68/2013/QH13
1. Triển khai đồng bộ các giải pháp
Báo cáo việc thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) theo mục tiêu Nghị quyết 68/2013/QH13, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương, cho biết: Bộ Y tế đã triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đề ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân
giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013; Chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các hình thức: tổ chức Hội nghị, tọa đàm, phóng sự, thông tin báo chí, đối thoại chính sách, giao lưu trực tuyến,…
Nghị quyết số 68/2013/QH13 đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ: “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT"
Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát đã được tổ chức. Năm 2014, tổ chức 03 đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại các tỉnh Nghệ An, Đắk Nông và Khánh Hòa; kiểm tra tình hình thực hiện KCB BHYT tại các tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa. Năm 2015, Bộ Y tế đã tổ chức 03 đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT tại 20 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Y tế đã tổ chức 07 đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT tại 15 tỉnh, thành phố.
Qua kiểm tra và tổng hợp thông tin phản ánh từ địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn cụ thể việc triển khai thi hành Luật như: Công tác tuyên truyền, tổ chức lập danh sách đối tượng và tham gia BHYT theo hộ gia đình,…
Bên cạnh đó, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành chức năng tích cực đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ một số nhóm dân cư gặp khó khăn để tham gia BHYT. Những địa phương nào có tỉ lệ bao phủ BHYT ở mức dưới 60% sẽ phải giải trình trước Chính phủ.
Cùng với đó, những năm qua, nhà nước đã ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp gần 600 bệnh viện tuyến huyện, gần 160 bệnh viện tuyến tỉnh và trên 10 bệnh viện tuyến Trung ương (đạt 28,1 giường bệnh/vạn dân, tăng 3,4 giường so với năm 2012).
Thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ y tế, đã có 178 bệnh viện tư nhân và 30.000 phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh. Nhờ đó, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương đã cải thiện (công suất sử dụng giường bệnh tuyến Trung ương từ 120% xuống dưới 100%; tỉ lệ vượt tuyến giảm 40%; thời gian chờ khám bệnh giảm còn 48,5 phút/lượt khám). Giai đoạn 2013- 2015, Chính phủ đã bố trí gần 62.800 tỉ đồng hỗ trợ đóng BHYT, chiếm 39% tổng số thu từ tiền đóng BHYT.
Ngoài ra, việc thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ đạt mục tiêu trước năm 2018 như quy định của NQ 68/2013/QH13. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng thuốc chữa bệnh, giá cả phù hợp: ban hành văn bản đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm chất lượng thuốc KCB…; ban hành Thông tư 16/2014 hướng dẫn thí điểm bác sĩ gia đình, phòng khám gia đình; Thông tư 37, Thông tư 14/2014 hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT.
Đáng chú ý, hiện Bộ Y tế phối hợp BHXH Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đang thí điểm đề án phát triển hệ thống CNTT trong ngành y tế và kết nối liên thông phần mềm giữa bệnh viện với quản lý quỹ BHYT tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Năm 2015, ngành BHXH đã ký hợp đồng với 2.089 cơ sở y tế, 9.496 trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Cơ quan BHXH cũng đảm bảo nguồn tài chính cho cơ sở y tế theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Mặt khác, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, bố trí ngân sách hỗ trợ một số nhóm gặp khó khăn tham gia BHYT.
Dù việc thực hiện chính sách BHYT có một số khó khăn bất cập nhưng bằng nhiều giải pháp, đến tháng 6/2015 tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã đạt 72,58% (năm 2013 là 68,8%, 2014 là 71,6%), trong đó nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt 31,5%; Nhiều địa phương đã hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Dự báo, cuối năm 2015 tỉ lệ bao phủ BHYT sẽ đạt 75% và cuối 2020 sẽ đạt 80% như Nghị quyết 68/2013/QH13 đặt ra.
Xem thêm: Giải pháp phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội điện tử
2. Phấn đấu mục tiêu BHYT toàn dân
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên, dù cơ bản sẽ đạt mục tiêu Nghị quyết 68/2013/QH13 đề ra, song tỉ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân, người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình tại một số địa phương còn thấp.
Công tác đấu thầu thuốc đã thực hiện theo Luật đấu thầu, nhất là từ năm 2015 quy trình đấu thầu thuốc thay đổi, nhiều loại thuốc đấu thầu tập trung nhưng chưa ban hành danh mục thuốc cần đấu thầu tập trung nên vẫn còn sự chênh lệch giá thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh và giữa các tỉnh.
Nhân lực làm công tác giám định thiếu trầm trọng, (toàn ngành BHXH có 2.300 giám định viên BHYT, trong đó 1/3 có trình độ bác sĩ, dược sĩ, có tỉnh không có bác sĩ làm công tác giám định BHYT do không tuyển được người)…
Do vậy, thời gian tới, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết số 68; tăng đầu tư nguồn lực và ngân sách cho lĩnh vực y tế, chú trọng đầu tư cho công tác y tế dự phòng, hỗ trợ người dân tham gia BHYT; xây dựng trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đưa tỉ lệ dân số tham gia BHYT vào NQ phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Quốc hội…
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh lộ trình từ cấp Ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong cấp thẻ BHYT cho người dân ở các xã đảo, huyện đảo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan đổi mới cơ chế hoạt động, kiện toàn các quy định về chuyên môn; BHXH Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, giám định khám chữa bệnh BHYT, bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT, tổ chức thu BHYT hợp lý theo hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên, bố trí nguồn lực thích đáng để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đã vào cuộc rất đồng bộ, mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có văn bản chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện chính sách BHYT nên bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Cơ quan BHXH xác định, tăng độ bao phủ BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Ngành. BHXH Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bênh, giám định điện tử,… quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015, 80% dân số tham gia BHYT năm 2020 như Nghị quyết 68 đã đề ra.
Phát biểu kết luận phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ghi nhận sự nỗ lực của ngành BHXH và Y tế trong việc thực hiện chính sách BHYT. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị ngành BHXH và Y tế tiếp tục có những biện pháp mạnh hơn để thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHYT; phối hợp chặt chẽ, mềm dẻo trong tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiến tới BHYT toàn dân.
Bạn đọc có thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp. Xin vui lòng liên hệ:
BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ EBH
☎️ Tel: 024.37545222 - Fax: 024.37545223
🌎 Website: https://ebh.vn
📞 HOTLINE: 1900558873
🏢 Địa chỉ: Số 11, Đặng Thùy Trâm, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội