CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Thất nghiệp là gì? Nguyên nhân và các chính sách hỗ trợ

Bởi ebh.vn - 24/07/2024

Thất nghiệp là một tình trạng việc làm của người lao động trong xã hội mang ý nghĩa tiêu cực. Vậy thất nghiệp là gì? Ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của xã hội và những chính sách hỗ trợ. Tất cả sẽ được EBH chia sẻ đến bạn trong bài viết dưới đây.

Tình trạng "Thất nghiệp" mang một ý nghĩa tiêu cực

Tình trạng "Thất nghiệp" mang một ý nghĩa tiêu cực

1. Thất nghiệp là gì?

Theo wikipedia khái niệm thất nghiệp được định nghĩa như sau:

Thất nghiệp là tình trạng người lao động đang trong độ tuổi lao động, có đầy đủ khả năng lao động và có nhu cầu tìm việc làm nhưng không có việc làm hoặc không được tổ chức, công ty và cộng đồng nhận vào làm.

Khi tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động trong độ tuổi lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động của xã hội càng cao sẽ gây ra những ảnh hưởng "tiêu cực" lên xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, tâm lý và sức khỏe của người lao động, tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước và làm tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.

1.1 Những nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp là gì?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan và chủ quan bao gồm các nguyên nhân sau: 

a) Nguyên nhân chủ quan

- Thất nghiệp do tự nguyện: Người lao động tự nguyện nghỉ việc hoặc từ chối các công việc không phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân.

- Chuyên môn, năng suất lao động thấp: Người lao động thiếu kỹ năng và tay nghề, không đáp ứng được nhu cầu cho công việc.

- Thiếu kỹ năng và trình độ học vấn: Người lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc hoặc thiếu kỹ năng mềm cần thiết.

- Mức lương chưa hấp dẫn so với năng lực: Nhiều lao động cho rằng mức lương thị trường không xứng đáng với trình độ của họ.

b) Nguyên nhân khách quan

-  Thất nghiệp do biến động của thị trường lao động, công ty phá sản, tái cấu trúc tổ chức hoặc do người lao động bị tai nạn lao động, ốm đau kéo dài,...

- Thay đổi trong công nghệ và cơ cấu ngành nghề: Công nghệ tiến bộ và cơ cấu ngành nghề thay đổi có thể làm mất/giảm số lượng việc làm truyền thống và yêu cầu người lao động phải có kỹ năng mới. 

- Sự suy giảm của nền kinh tế: Khi kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp giảm sản xuất và tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Tình trạng thất nghiệp có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội bằng cách gây nghèo đói và làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Thất nghiệp gây ra nghèo đói và làm tăng tỷ lệ tội phạm

Thất nghiệp gây ra nghèo đói và làm tăng tỷ lệ tội phạm

1.2 Ảnh hưởng của thất nghiệp đối với xã hội như thế nào?

Thất nghiệp ảnh hưởng đến xã hội một cách đáng kể. Dưới đây là một số tác động:

(1) Nghèo đói và bất ổn xã hội: Thất nghiệp dẫn đến thiếu thu nhập, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói và gây ra bất ổn xã hội.

(2) Tăng tỷ lệ tội phạm: Người thất nghiệp có thể trở nên tuyệt vọng và dễ dàng bị cuốn vào hoạt động tội phạm để kiếm sống.

(3) Giảm sản xuất và tăng chi phí xã hội: Thất nghiệp làm giảm sản lượng lao động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tạo ra chi phí xã hội (trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe tâm thần,...).

(4) Tác động tâm lý và sức khỏe: Thất nghiệp gây căng thẳng tinh thần, lo âu, và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người lao động.

Tuy nhiên, xã hội có thể đối phó với thất nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ, đào tạo nghề, và tạo ra cơ hội việc làm mới thông qua các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để trợ giúp người lao động.

1.2.1 Làm thế nào để giảm tỷ lệ thất nghiệp?

Giảm tỷ lệ thất nghiệp là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Dưới đây là một số biện pháp:

(1) Đào tạo và phát triển kỹ năng: Đầu tiên, đảm bảo rằng người lao động được đào tạo và phát triển kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Điều này bao gồm việc học các kỹ năng mới, nâng cao trình độ chuyên môn và tham gia vào các khóa học đào tạo.

(2) Khuyến khích doanh nghiệp tạo việc làm: Chính phủ và các tổ chức nên khuyến khích doanh nghiệp tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Điều này có thể thông qua việc hỗ trợ khởi nghiệp, giảm thuế cho doanh nghiệp, và tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

(3) Hỗ trợ tài chính cho người thất nghiệp: Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính tạm thời cho người thất nghiệp để giúp họ duy trì cuộc sống hàng ngày trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

(4) Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi: Tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi để doanh nghiệp có thể phát triển và tạo việc làm. Điều này bao gồm việc giảm thủ tục hành chính, tạo ra quy định rõ ràng và ổn định, và đảm bảo an ninh cho doanh nghiệp.

(5) Đầu tư vào các ngành công nghiệp mới: Hướng tới các ngành công nghiệp mới, như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, y tế và dịch vụ chăm sóc người già. Điều này giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.

Nhà nước có nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động tìm việc

Nhà nước có nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động tìm việc

1.3 Những chính sách hỗ trợ người thất nghiệp

Theo quy định, người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định tại Điều 42 Luật Việc Làm 2013 sẽ được nhận một số quyền lợi như: được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm mới; được hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.​ Đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ người thất nghiệp cụ thể:

1.3.1 Người lao động được hỗ trợ tài chính trong thời gian tìm kiếm việc làm

Người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp, đây là một phần của chính sách hỗ trợ người thất nghiệp khi họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Khoản tiền này được trích từ Quỹ BHTN khi người lao động đáp ứng đủ các điều kiện hưởng BHTN theo quy định của pháp luật. Và, mục đích của trợ cấp thất nghiệp là giúp đỡ người lao động có nguồn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian chờ tìm kiếm việc làm mới.

Số tiền trợ cấp thất nghiệp được tính dựa trên mức lương bình quân đóng BHXH hàng tháng của người lao động trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc và thời gian đóng BHXH của họ. Mức đóng và thời gian đóng càng cao thì số tiền trợ cấp thất nghiệp càng lớn.

1.3.2 Chính sách hỗ trợ người thất nghiệp tìm kiếm việc làm

Người thất nghiệp có thể liên hệ tới trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để được hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Đây là những đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan nhà nước do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương tổ chức thành lập để hỗ trợ người lao động tại địa phương có thể tìm kiếm việc làm mới thông qua các hoạt động:

  • Tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề.

  • Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động với doanh nghiệp.

  • Cung cấp thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đây là nguồn thông tin tìm kiếm việc làm hiệu quả, uy tín dành cho nhóm lao động phổ thông.

Bên cạnh các kênh tuyển dụng do nhà nước tổ chức, hiện nay người trong độ tuổi lao động (người lao động) còn có thêm nhiều kênh tìm kiếm việc làm chủ động khác như:

(1) Tìm kiếm việc làm trên chuyên trang tuyển dụng như Vietnamworks, Jobstreet, CareerBuilder, Tuyển dụng 24h, TopCV,... đây là các website tìm kiếm việc làm ra đời với mục tiêu kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với nhân sự phù hợp.

Mỗi trang web sẽ có những thế mạnh về nhóm ngành riêng. Ngoài cung cấp danh sách việc làm đang tuyển dụng, những website trên còn có nhiều bài viết định hướng nghề nghiệp, một số trang có những công cụ tạo hồ sơ (CV) chuyên nghiệp dành cho người lao động.

(2) Tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội: Ngày nay, việc giao tiếp và kết nối trên mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Do đó, nhiều hội nhóm và các kênh tuyển dụng cũng hoạt động trên những nền tảng này, hai mạng xã hội tiêu biểu để người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng là:

- Facebook: Tham gia các nhóm nghề nghiệp, nhóm tìm việc làm để cập nhật thông tin tuyển dụng và kết nối với nhà tuyển dụng. Công việc, ngành nghề tuyển dụng đa dạng (cần đề phòng các công việc tuyển dụng có tính chất lừa đảo).

- LinkedIn: Mạng xã hội dành cho người lao động chuyên nghiệp, giúp kết nối với nhà tuyển dụng và quảng bá bản thân. Những nhóm ngành được tuyển dụng nhiều trên LinkedIn bao gồm Công nghệ thông tin, Marketing,... 

(3) Các nguồn tìm kiếm việc làm khác: Ngoài những nguồn thông tin tìm kiếm việc làm kể trên, người lao động cũng có thể tìm tới:

- Những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

- Tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các mối quan hệ xã hội như bạn bè, người thân giới thiệu.

- Xem thông tin tuyển dụng trực tiếp trên website của các doanh nghiệp và ứng tuyển vào vị trí phù hợp. 

Trên đây là một số chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử EBH về tình trạng thất nghiệp. Hy vọng có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích và người lao động đang trong tình trạng thất nghiệp sẽ có thể nhận được sự hỗ trợ từ xã hội và sớm tìm được công việc phù hợp.

M.H & T.P

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu