CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Dịch vụ I-VAN THAISONSOFT - BHXH Việt Nam

Miền bắc: 1900.55.88.73
Miền Trung, Nam: 1900.55.88.72

Những nội dung chính trong dự thảo Luật BHXH 2024

Bởi ebh.vn - 01/07/2024

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024 đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo người lao động và doanh nghiệp. Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi đáng kể nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH để phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện đại, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và thiết lập hệ thống an sinh vững chắc. Bài viết này sẽ tóm tắt 05 nội dung chính sẽ có trong luật BHXH sửa đổi đáng chú ý.

Những nội dung chính trong dự thảo luật BHXH sửa đổi

Những nội dung chính trong dự thảo luật BHXH sửa đổi

1. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và ý nghĩa

Có thể thấy qua hơn 07 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, đồng thời góp phần xây dựng an sinh xã hội vững chắc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như:

- Mức độ bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng;

- Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn xảy ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; 

- Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; 

- Một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay; 

- Tỉ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu; 

- Tỉ lệ người hưởng chế độ BHXH một lần tăng nhanh trong các năm gần đây.

Nhận thấy sự cần thiết trong thay đổi chính sách pháp luật BHXH hiện hành để phù hợp hơn trong điều kiện mới, vào tháng 10 năm 2023 dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6. Vào ngày 27 tháng 3 năm 2024 được trình lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Nội dung dự thảo Luật BHXH sửa đổi cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện hơn nữa chính sách BHXH, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật BHXH hiện tại.

Chính thức ban hành Luật bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc Hội khóa 15.

2. Những nội dung chính trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Dự thảo luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới, trong đó những nội dung chính trong dự thảo luật BHXH sửa đổi mà người lao động và doanh nghiệp quan tâm bao gồm các nội dung liên quan đến: đối tượng tham gia BHXH; mức đóng và hưởng BHXH; bổ sung chế độ BHXH tự nguyện; thay đổi số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu; siết chặt quản lý thu và đóng BHXH…

2.1 Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải đóng BHXH bắt buộc gồm:

- Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, so với quy định hiện hành đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được đề xuất trong dự thảo đã được mở rộng rất nhiều. Điều này, tạo điều kiện cho người lao động được hưởng nhiều lợi ích hơn so với việc tham gia BHXH tự nguyện.

2.2 Điều chỉnh mức đóng và hưởng BHXH

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi nêu rõ điều chỉnh mức đóng hưởng BHXH. 

Cách tính mức đóng BHXH áp dụng cơ chế tính mới, cụ thể:

- Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố, 

- Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước: cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương tính đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Điều chỉnh mức hưởng lương hưu được áp dụng như sau: Tăng mức hưởng lương hưu cho người lao động, đặc biệt là những người có thời gian đóng BHXH dài.

2.3 Bổ sung chế độ cho BHXH tự nguyện

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện là nội dung được người lao động đặc biệt quan tâm. Tại Dự thảo luật BHXH sửa đổi quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản. Người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành để được hưởng chế độ này mà nguồn kinh phí chi trả sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Có thể thấy, việc bổ sung chế độ thai sản cho BHXH tự nguyện đã tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, theo đó thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Thay đổi số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu

Thay đổi số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu

2.4 Thay đổi số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu

Theo quy định hiện hành để được hưởng lương hưu người lao động phải đóng BHXH đủ 20 năm, tuy nhiên tại dự thảo luật BHXH sửa đổi đã đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Lưu ý: Quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện thông thương (không áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định).

Việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu gia tăng cơ hội hưởng lương hưu cho người tham gia. Bên cạnh đó chính sách này cũng là yếu tố giảm rút BHXH một lần đối với người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia BHXH gián đoạn.

2.5 Siết chặt quản lý thu và đóng BHXH

Trong những năm qua công tác quản lý thu vẫn còn lỏng lẻo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nợ đóng BHXH. Nhằm tăng cường hiệu quả trong trong việc xác định, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. 

Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH như: 

- Quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế); 

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên; 

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên; 

- Quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án; 

- Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật; 

- Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động.

3. Tác động tích cực của những điểm mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được hình thành dựa trên việc gia tăng lợi ích cho người tham gia, đồng thời hướng tới việc xây dựng chế độ chính sách BHXH phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an sinh xã hội

Dưới đây là những tác động tích cực của những điểm mới trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có thể thấy được:

(1) Nâng cao chất lượng cuộc sống: Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người già, người có hoàn cảnh khó khăn.

(2) Thúc đẩy phát triển kinh tế: Tạo môi trường kinh doanh ổn định, thu hút đầu tư.

(3) Xây dựng xã hội công bằng: Đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho mọi công dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH sửa đổi cũng đặt ra nhiều thách thức:

Thứ nhất, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: Về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các quy định chi tiết để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả.

Thứ hai, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ: Giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan.

Thứ ba là cần có sự đồng thuận của xã hội: Để đảm bảo việc thực hiện luật một cách hiệu quả và bền vững.

Trên đây là những nội dung chính trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp lưu ý theo dõi và bám sát các thông tin mới để có thể chủ động trong việc thực hiện các chính sách BHXH, đảm bảo lợi ích cho người lao động và tuân thủ Pháp luật.

Bảo hiểm xã hội điện tử EBH hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể đem lại cho bạn những thông tin hữu ích.

Thu Hương

Đăng ký phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội eBH
Đăng ký cấp mã bảo hiểm xã hội lần đầu