4 khoản tiền mà người mắc Covid có thể được nhận
Trong trường hợp bị F0 (mắc Covid-19), người lao động có thể nhận được nhiều hỗ trợ từ các quỹ khác nhau. Dưới đây là 4 khoản tiền mà F0 có thể được nhận nhằm hỗ trợ người lao động trong thời gian ốm đau.
Những khoản tiền trợ cấp mà F0 có thể được nhận
1. Trợ cấp ốm đau từ Quỹ bảo hiểm xã hội
Bên cạnh được hưởng số ngày nghỉ theo quy định tại Điều 5, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 người lao động F0 còn được nhận trợ cấp ốm đau từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ pháp lý: Trợ cấp ốm đau được căn cứ theo Điều 6, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về mức hưởng chế độ ốm đau. Theo đó, người lao động F0 phải thỏa mãn điều kiện đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản 1, và Điểm b, Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
1.1 Mức trợ cấp ốm đau của F0
Theo Điều 6, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH mức hưởng chế độ ốm đau của F0 được tính như sau:
Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Cụ thể số ngày nghỉ được quy định như sau:
Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ:
-
Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
-
Nghỉ tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
-
Nghỉ tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
Người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt:
Người lao động làm ngành nghề nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 khi bị F0 được nghỉ:
-
Nghỉ tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
-
Nghỉ tối đa 50 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
-
Nghỉ tối đa 70 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
Người lao động căn cứ cụ thể vào trường hợp của mình để xác định số ngày nghỉ, từ đó tính được mức trợ cấp chính xác của mình.
Xem thêm: Chế độ ốm đau đối với người lao động F0
2. Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau
Người lao động bên cạnh việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm còn có thể được hưởng trợ cấp phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau.
Bệnh nhân F0 có thể được hưởng trợ cấp phục hồi sức khỏe
Căn cứ pháp lý: Theo Khoản 1, Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:
“1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm”
Theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ:
“1. Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, trường hợp người lao động bị F0 tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe khi đủ các yêu cầu sau:
-
Đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm.
-
Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau.
2.1 Mức hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau của F0
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 29, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức tiền được hưởng đối với người lao động F0 một ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở.
Cụ thể, năm 2022, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng do đó mức hưởng 1 ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe là: 30% x 1.490.000 = 447.000 đồng/ngày.
3. Tiền lương từ người sử dụng lao động
Hiện nay rất nhiều người lao động F0 chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn từ 5-7 ngày. Trong trường hợp người lao động nghỉ điều trị bệnh mà vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Như vậy mặc dù có nghỉ điều trị bệnh người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Thời gian nghỉ phép năm của người lao động được tính căn cứ theo Khoản 1, Điều 113, Bộ luật lao động 2019. Cụ thể, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
-
Nghỉ 12 ngày làm việc đối với trường hợp làm công việc trong điều kiện bình thường.
-
Nghỉ 14 ngày làm việc đối với trường hợp người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
-
Nghỉ 16 ngày làm việc đối với trường hợp người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
4. Trợ cấp từ tổ chức công đoàn
Theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) người lao động bị F0 sẽ nhận được 1 khoản hỗ trợ từ tổ chức công đoàn. Nguồn kinh phí để chi hỗ trợ được cân đối trong dự toán thu, chi tài chính công đoàn hằng năm, tài chính tích lũy và nguồn xã hội hóa tại các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Cụ thể điều kiện và mức hỗ trợ F0 như sau:
Đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ:
“a) Tối đa là 3.000.000 đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid- 19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
b) Tối đa là 1.500.000 đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm vi rút Sars-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người.
Tuy nhiên, mới đây Tổng LĐLĐVN ban hành Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 quyết định dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ kể từ ngày 1/3/2022.
Hiện tại, việc chi hỗ trợ, thăm hỏi đoàn viên, người lao động bị mắc COVID-19 (kể cả F0 tử vong) từ ngày 1/3/2022 trở đi được giao cho các cấp công đoàn thực hiện theo phân cấp tài chính quy định tại:
-
Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ của TLĐ ngày 1/3/2022 ban hành quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở (thay thế Quyết định số 1910/QĐ-TLĐ)
-
Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của TLĐ về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn (thay thế Quyết định số 1911/QĐ-TLĐ).
Tại Quyết định mới này cũng nêu rõ việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng F0 trước ngày 01/3/2022 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.
Như vậy, khi tham gia BHXH bắt buộc người lao động bị F0 có thể nhận được rất nhiều các khoản tiền hỗ trợ. Các khoản tiền hỗ trợ này sẽ phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Mong rằng những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH trong bài viết trên đây có thể mang lại cho Quý độc giả những thông tin hữu ích nhất.