23 địa phương có tỷ lệ nợ BHXH cao hơn bình quân chung toàn ngành
Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là có tới 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao hơn bình quân chung toàn ngành.
Nợ BHXH hơn 15.400 tỷ đồng
Theo bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN 6 tháng đầu năm còn có một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như: Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại các địa phương còn khá phổ biến, trong đó có cả phần kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ đóng cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm (đặc biệt là đối tượng lao động trong các doanh nghiệp (DN) nhỏ)…
Tính đến 30/6/2017, tổng số nợ trên toàn hệ thống là 15.425,6 tỷ đồng, bằng 5,4% so với kế hoạch giao thu, tăng 2.615,1 tỷ đồng (20,4%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH 10.505,1 tỷ đồng, nợ BHTN 563,4 tỷ đồng, nợ BHYT 4.357 tỷ đồng.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Toàn quốc có 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành (tính đến 30/6) là: Bạc Liêu 17,4%; Bình Định 13,6%; Đắk Nông 12,1%; Bến Tre 10,8%; Phú Yên 10,3%; Thừa Thiên - Huế 10,2%; An Giang 10%; Quảng Trị 9,6%; Hậu Giang 8,9%; Hà Nội 8,0%; Sơn La 7,6%; Gia Lai 7,6%; Hà Giang 7,4%; Bình Thuận 6,9%; Lai Châu 6,8%; Khánh Hòa 6,6%; Tp. Hồ Chí Minh 6,2%; Bắc Kạn 6,2%; Ninh Thuận 6,1%; Trà Vinh 6,0%; Lạng Sơn 5,9%; Quảng Nam 5,8%; Cà Mau 5,7%.
Nhiều địa phương có tỷ lệ nợ BHXH cao hơn bình quân chung toàn ngành
Nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam chỉ ra rằng, do việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với thực tế…
Bên cạnh đó, một số bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố cũng chưa kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Thu hồi về quỹ BHXH, BHYT 47 tỷ đồng
Cũng theo BHXH Việt Nam, 6 tháng qua ngành đã tăng cường giám định, kiểm tra, kiểm soát tốt chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, cũng như có các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Báo cáo của BHXH các địa phương cho thấy, qua công tác giám định, kiểm tra, đã từ chối thanh toán và xuất toán số tiền 274 tỷ đồng của những chi phí KCB bất hợp lý, trục lợi, lạm dụng quỹ KCB BHYT.
Tính từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam đã chủ trì và tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tại 9 đơn vị, tỉnh, thành phố; kiểm toán nội bộ tại BHXH 4 tỉnh, thành phố. BHXH các địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng tại 5.358 đơn vị; trong đó: Thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.075 đơn vị; kiểm tra tại 193 cơ quan BHXH; 2.264 đơn vị sử dụng lao động; 252 cơ sở KCB và 894 đại lý thu, đại diện chi trả; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 680 đơn vị.
Một số vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra như: Chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đóng thiếu mức quy định cho người lao động; chưa kịp thời làm thủ tục cấp sổ BHXH cho người lao động; chi chế độ BHXH ngắn hạn không đúng quy định; lao động đi làm hưởng lương nhưng vẫn hưởng chế độ BHXH; thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT chưa đúng quy định...
Qua kiểm tra đã đề nghị thu hồi về quỹ BHXH 2,1 tỷ đồng; về quỹ BHYT 44,9 tỷ đồng do chi KCB BHYT không đúng quy định; không xem xét thanh toán 1,79 tỷ đồng chi phí KCB năm 2016; yêu cầu rà soát 1,25 tỷ đồng chi phí KCB do chi sai quy định.
Chính vì vậy, những tháng cuối năm, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại địa phương; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; ngăn ngừa hành vi trục lợi quỹ BHYT, các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp,…); đảm bảo cân đối, quản lý hiệu quả các quỹ BHXH, BHYT; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động.
(Nguồn: (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Xem thêm: Phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội điện tử