Mức lương tính hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động
Mức lương tính hưởng trợ cấp thôi việc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người lao động tính toán mức hưởng trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc. Vậy mức lương này sẽ được tính như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Quy định về mức lương tính hưởng trợ cấp thôi việc
1. Mức lương tính trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp bắt buộc từ người sử dụng lao động chi trả cho người lao động (NLĐ) khi thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên trợ cấp thôi việc được tính theo mức lương nào thì không phải người lao động nào cũng nắm được.
1.1 Công thức tính trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46, Bộ luật lao động 2019 việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương với công thức tính trợ cấp thôi việc như sau:
Tiền trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương x Thời gian làm việc
Trong đó: Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả quyền lợi cho NLĐ khi NLĐ mất việc làm và đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất việc.
1.2 Mức lương để tính trợ cấp thôi việc
Như vậy, mức lương để tính trợ cấp thôi việc là mức lương được bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm. Hay còn gọi là mức lương này là mức lương bình quân đóng BHXH cho người lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc.
Người lao động cần lưu ý để không nhầm lẫn mức lương tính trợ cấp thôi việc với mức lương được chi trả thực tế. Mức lương được chi trả thực tế thông thường cao hơn mức lương để tính trợ cấp thôi việc, do mức lương được chi trả thực tế còn được cộng thêm các khoản trợ cấp khác ngoài lương.
2. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc
Căn cứ theo và Điều 47 và Điều 34 của Bộ luật Lao động 2019 người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm và chấm dứt trong các trường hợp sau:
-
Khi hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 177 của Bộ luật này.
-
Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
-
Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
-
Khi NLĐ bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại Khoản 5, Điều 328, của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
-
Khi NLĐ chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
-
Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
-
Khi NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
-
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
Quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc
Lưu ý: Người lao động thuộc 02 trường hợp sau dù đáp ứng được các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như trên thì vẫn không được hưởng trợ cấp thôi việc. Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
-
Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.
-
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Từ 1/1/2021 khi Bộ luật lao động 2019 bắt đầu có hiệu lực thì mức hưởng trợ cấp thôi việc và điều kiện hưởng trên chính thức được áp dụng. Đây cũng là cách tính mức hưởng trợ cấp thôi việc và điều kiện hưởng mới nhất được Pháp luật quy định.
3. Mức phạt khi không thực hiện chi trả tiền trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc như đã nêu trên sẽ được hưởng khoản tiền trợ cấp này.
Doanh nghiệp sẽ chi trả khoản tiền này cho người lao động mà không cần người lao động phải thực hiện bất kỳ thủ tục hay hồ sơ giấy tờ nào khác.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp cần đảm bảo về thời hạn thanh toán tiền trợ cấp cho người lao động được quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 để tránh bị phạt căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền căn cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm đối với các hành vi không trả hoặc không trả đủ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Cụ thể:
Từ 01-10 NLĐ > phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng
Từ 11-50 NLĐ > phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng
Từ 51-100 NLĐ > phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng
Từ 101-300 NLĐ > phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng
Từ 301 NLĐ trở lên > phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng
Bên cạnh mức phạt trên Doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động và tính thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm bị xử phạt.
Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến bạn đọc những thông tin cập nhật mới nhất về mức lương tính trợ cấp thôi việc cũng một số thông tin liên quan. Hy vọng rằng bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích.