BHXH Việt Nam triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người tham gia chính sách BHXH
Hướng dẫn và thực hiện thủ tục hành chính BHXH tại phòng Một cửa BHXH TP. Điện Biên. Ảnh: Chính Phạm
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tuân thủ các quy định của pháp luật, các giải pháp điều hành của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản được thực hiện hiệu quả.
Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 13,17 triệu người
BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu người, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 241.000 người, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016; BH thất nghiệp là 11,28 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; BHYT là 76,44 triệu người, đạt 82,19% dân số cả nước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số thu qua 6 tháng đầu năm là 140.304 tỷ đồng, đạt 49,53% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 21,06% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 61 địa phương đạt, vượt tiến độ thu (45%).
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã giải quyết chế độ BHXH cho 4,49 triệu lượt người, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cho 75,57 triệu lượt người, chi BHXH, BHYT 123.652 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Công tác quản lý, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đã được các đơn vị trong ngành chú trọng, chi trả kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn tiền mặt trong quá trình chi trả, công tác quản lý đối tượng được tăng cường. Công tác xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Hiện nay, toàn ngành đang quản lý chi trả cho hơn 3,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, mai táng phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức; tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHTN ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 84 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện cho 2,8 triệu người với số tiền khoảng 10 nghìn tỷ đồng/tháng.
Tính đến ngày 30/6/2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 77,31 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT, đạt tỷ lệ liên thông dữ liệu 98,1% và thực hiện giám định tự động hơn 75,8 triệu hồ sơ với số tiền đề nghị thanh toán là 39.004 tỷ đồng. Nhìn chung, các địa phương đã tổ chức tốt công tác giám định chi phí KCB BHYT, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc về thủ tục KCB BHYT, quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ với tư duy nhận thức trên tinh thần đặt mình vào vị trí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC để rà soát cắt giảm tối đa thời gian, mẫu biểu và chi phí.
Kết quả từ việc sửa đổi quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT đã cắt giảm được 4 TTHC, đưa số TTHC của ngành từ 32 TTHC xuống còn 28 TTHC; thực hiện quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch với cơ quan BHXH...
Nhiều giải pháp hỗ trợ người tham gia chính sách BHXH
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao và hỗ trợ tốt nhất cho người tham gia các chính sách BHXH, 6 tháng cuối năm 2017, nhiều giải pháp đã được BHXH đưa vào nhiệm vụ trọng tâm và nỗ lực phấn đấu.
Theo đó, trong thời gian tới, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo BHXH các địa phương giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động và người dân; thực hiện tốt công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiếp tục thực hiện cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ là một trong những nhiệm vụ được ngành BHXH đặc biệt chú trọng. Theo đó, trong thời gian lại của năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQCP; Nghị định số 166/2016/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thiện bộ công cụ hỗ trợ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ, tài chính kế toán và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu lạm dụng quỹ BHXH, BHTN.
BHXH Việt Nam thời gian tới sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng. Giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; đảm bảo cân đối quỹ, thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...
(Theo Thời báo Tài chính Việt Nam)